Không sử dụng được
Tình hình giảng dạy tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ ở VN có thể gói gọn ở một vài điểm như sau:
Thứ nhất, thời lượng đào tạo tiếng Anh không đủ để đào tạo 100% sinh viên của trường khi ra trường có trình độ mà các nhà tuyển dụng yêu cầu. Thực tế cho thấy cả giảng viên và sinh viên ở các trường này đều không có đủ thời gian để đào tạo và tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn.
Số liệu khảo sát của chúng tôi tại 18 trường ĐH VN cho thấy điểm bình quân sinh viên năm nhất dao động ở mức 220-245/990 điểm TOEIC, và với mức điểm này sinh viên cần khoảng 360 giờ đào tạo (480 tiết) để đạt được 450-500 điểm TOEIC - mức điểm mà rất nhiều doanh nghiệp đang coi là mức tối thiểu để họ chấp nhận hồ sơ. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Vụ Giáo dục ĐH, thường các trường chỉ có khoảng 225 tiết học tiếng Anh cho sinh viên.
Thứ hai, trình độ của sinh viên không đồng đều và có sự khác biệt khá lớn về năng lực tiếng Anh giữa họ. Thường trong một lớp học sẽ bao gồm các trình độ từ sơ cấp (gồm những sinh viên học tiếng Anh lần đầu) đến trung cấp (những sinh viên đã học hệ đào tạo tiếng Anh chín năm). Những lớp học đa trình độ như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho giảng viên, khiến họ khó có thể quán xuyến hết tất cả sinh viên, từ đó gây trở ngại cho cả việc dạy và học.
Theo số liệu đánh giá 9.948 sinh viên năm nhất của 13 trường ĐH cho thấy điểm bình quân là 250 điểm TOEIC, tuy nhiên điểm số dao động từ 50-850 điểm. Như vậy sự chênh lệch ở trình độ đầu vào của sinh viên các trường rất lớn. Có những sinh viên gần như không biết tiếng Anh và có những bạn trình độ đã rất giỏi (cao cấp), ở trình độ 850 điểm TOEIC - mức chuẩn mà nếu Bộ GD-ĐT dùng làm chuẩn giáo viên giảng dạy tiếng Anh cũng đã rất tốt và không dễ đạt được. Như vậy nếu bắt những sinh viên này phải ngồi học tiếng Anh trong bốn năm ở trường là rất lãng phí và không hợp lý. Trong khi đó cần có giải pháp cho những sinh viên có trình độ mới bắt đầu học.
Thứ ba là đào tạo tiếng Anh ở các khối không chuyên thường có xu hướng tập trung quá nhiều vào tiếng Anh chuyên ngành chứ không phải là rèn luyện kỹ năng tiếng Anh. Do đó, cho dù họ có học các thuật ngữ hay các từ ngữ tiếng Anh chuyên ngành thì cũng khó có thể nâng cao các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh trong giao tiếp.
Rất nhiều trường tập trung nhiều vào xây dựng chương trình và thời gian đào tạo tiếng Anh chuyên ngành, trong khi đó năng lực sử dụng tiếng Anh (English proficiency) của sinh viên còn rất hạn chế và dẫn đến kết quả là sinh viên học nhưng không sử dụng được.
Số lượng trường triển khai áp dụng các chuẩn đánh giá quốc tế cho sinh viên ra trường như TOEFL và TOEIC còn hạn chế. (Số liệu năm 2008: có 14,4% số trường đã áp dụng chuẩn TOEIC). Trong khi đó rất nhiều doanh nghiệp và tổ chức đặt chuẩn ngoại ngữ theo TOEIC hoặc TOEFL làm tiêu chuẩn tuyển dụng. Điều này dẫn đến tình trạng: có khá nhiều sinh viên ra trường nộp hồ sơ xin việc khi được yêu cầu có chứng chỉ TOEIC mới đi thi để kịp có điểm nộp hồ sơ. Do thời hạn nộp hồ sơ ngắn nên các sinh viên này rất bị động trong việc chuẩn bị cho kỳ thi, về cả thời gian lẫn chuyên môn.
Cuối cùng, các sinh viên khối không chuyên ngữ học tiếng Anh nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh trong các tình huống thực tế rất hạn chế và có thể nói rằng phần lớn không sử dụng được. Như vậy tình hình chung là khả năng sử dụng được tiếng Anh trong môi trường làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH là rất hạn chế và không đáp ứng được yêu cầu của đại đa số các đơn vị sử dụng lao động.
TOEIC - một giải pháp
TOEIC (Test of English for International Communication) là bài thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trong môi trường giao tiếp. Hiện nay, bài thi TOEIC đang được áp dụng rộng rãi bởi 9.000 tổ chức và 92 quốc gia trên thế giới. Ở châu Á, hiện có hơn 300 trường ĐH sử dụng bài thi quốc tế này. Mục đích sử dụng TOEIC rất đa dạng, tùy vào loại hình tổ chức. Các doanh nghiệp dùng TOEIC trong việc tuyển dụng nhân viên, đánh giá hiệu quả chương trình đào tạo tiếng Anh của doanh nghiệp và sắp xếp, đề bạt cán bộ. Các tổ chức giáo dục sử dụng TOEIC nhằm đánh giá, phân loại trình độ đầu vào của sinh viên; đánh giá hiệu quả và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.
Trong số các chuẩn quốc tế hiện nay thì chuẩn TOEIC tỏ ra là một lựa chọn phù hợp nhất, thể hiện bởi số lượng ngày càng nhiều các trường ĐH và cơ sở đào tạo đưa chuẩn này vào chương trình giảng dạy: năm 2006 có sáu trường dùng TOEIC, năm 2007 có tám trường, năm 2008 chứng kiến sự nhảy vọt về số lượng những trường dùng TOEIC: 21 trường (số liệu thống kê của IIG VN).
Chuẩn TOEIC là lựa chọn phù hợp nhất trong việc đánh giá và nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ. Áp dụng chuẩn TOEIC không chỉ góp phần cải cách chương trình giảng dạy môn tiếng Anh trong nhà trường mà xét rộng hơn, còn đáp ứng được xu thế đào tạo tiếng Anh trên thế giới hiện nay - xu thế giảng dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế. Với những ưu điểm được phân tích ở trên, Bộ GD-ĐT nên chính thức khuyến nghị các trường ĐH sử dụng TOEIC làm chuẩn đánh giá phân loại đầu vào và chuẩn tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ cho thấy điểm thi TOEIC có thể được chuyển đổi sang hệ điểm TOEFL ITP - yêu cầu đầu vào mà Bộ GD-ĐT sắp áp dụng cho những thí sinh muốn thi cao học. Vì vậy, những sinh viên tốt nghiệp ĐH đã có sẵn điểm TOEIC muốn học lên cao học thì có thể quy đổi điểm TOEIC sang điểm TOEFL và được miễn thi đầu vào.
ThS ĐOÀN HỒNG NAM
(Chủ tịch IIG VN, đại diện Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ)
Theo Báo Tuổi Trẻ