Theo đó, các trường ĐH, CĐ Việt Nam có thể áp dụng chương trình TOEIC để giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của SV thay cho chương trình học và thi chứng chỉ A, B, C trước đây.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN NGỌC HÙNG - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) về vấn đề này.
* Thưa ông, hiện có nhiều chương trình tiếng Anh khác nhau có giá trị quốc tế để đánh giá và công nhận trình độ, vì sao Bộ GD-ĐT lại lựa chọn TOEIC?
- Đúng là hiện có rất nhiều chương trình kiểm tra tiếng Anh quốc tế nhưng chúng tôi khuyến khích các cơ sở lựa chọn TOEIC vì những lý do sau: Thứ nhất, TOEIC là một chương trình kiểm tra trình độ sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp quốc tế do tổ chức khảo thí hàng đầu thế giới ETS biên soạn. Hiện TOEIC được sử dụng rộng rãi trên thế giới với hơn 6.000 công ty đa quốc gia tại 60 nước khác nhau.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng TOEIC như một công cụ đánh giá và tuyển dụng nhân sự. Tại thời điểm Bộ GD-ĐT chưa có ý kiến chỉ đạo chính thức thì một số trường ĐH tại Việt Nam đã chủ động áp dụng hình thức thi TOEIC này để đánh giá kết quả học tập của SV và được SV hưởng ứng.
Việc Bộ ra ý kiến chỉ đạo chỉ nhằm định hướng và "bật đèn xanh" cho các trường trong sử dụng chuẩn quốc tế này khi điều kiện cho phép và có nhu cầu thực tế của SV.
Thứ hai, TOEIC đánh giá trình độ và khả năng sử dụng tiếng Anh chứ không đánh giá khả năng hiểu biết về ngôn ngữ của SV. Điều này giúp các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, cải tiến phương pháp, nội dung đào tạo nhằm nâng cao khả năng giao tiếp quốc tế cho SV Việt Nam.
Bên cạnh đó, TOEIC đã chủ động tiếp cận Bộ GD-ĐT, đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau để phát triển công tác khảo thí tại Việt Nam. Hơn nữa, khi so sánh về chi phí bài thi TOEIC với các bài thi quốc tế khác thì mức phí của TOEIC là hoàn toàn phù hợp với điều kiện tài chính hiện tại của SV Việt Nam.
Xin lưu ý rằng ngoài TOEIC (kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế), các hình thức thi khác như TOEFL, IELTS (kiểm tra tiếng Anh du học) vẫn tiếp tục được thực hiện vì các hình thức này không thay thế cho nhau.
* Vậy lộ trình của việc áp dụng TOEIC vào các trường ĐH của Việt Nam như thế nào?
- Bộ chỉ khuyến khích các trường và cơ sở đào tạo sử dụng hình thức thi TOEIC để đánh giá thực chất trình độ tiếng Anh giao tiếp của SV. Cần phải có thời gian để TOEIC được chấp nhận và áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Việc này phụ thuộc một phần vào nỗ lực của TOEIC và ETS trong việc hỗ trợ các trường và cơ sở đào tạo Việt Nam tìm hiểu về TOEIC; đào tạo giáo viên về phương pháp, nội dung, chương trình giảng dạy để họ có thể giúp SV nhanh chóng đạt được trình độ tiếng Anh cao trong giao tiếp quốc tế.
Tôi nghĩ rằng với chuẩn TOEIC mới, các trường muốn tham gia sẽ phải năng động hơn trong việc định hướng lại chương trình đào tạo, trong đó chú trọng đến tính ứng dụng của chương trình để làm sao SV sử dụng thành thạo những gì được học tập trong giao tiếp chứ không phải để chia động từ và làm bài tập ngữ pháp.
* Với sự xuất hiện của TOEIC, việc đánh giá và công nhận trình độ tiếng Anh của SV theo chương trình A, B, C có còn được áp dụng? Bộ đánh giá như thế nào về chuẩn A,B,C hiện nay và có chủ trương thay thế bằng một chương trình khác như TOEIC hay không?
- Chúng tôi cho rằng chuẩn A, B, C đến nay không còn là chương trình tối ưu để đánh giá trình độ ngoại ngữ của SV. Đây là chương trình ra đời từ những năm 60 và mục đích học ngoại ngữ chủ yếu là để hiểu biết ngoại ngữ đó và đọc được sách. Nay nhu cầu về học tiếng Anh đã có nhiều thay đổi; lý thuyết về dạy và học ngôn ngữ cũng đã có nhiều thay đổi.
Đáng nói là các cơ sở tuyển dụng quốc tế lại chưa chấp nhận chuẩn A, B, C của chúng ta. Vì thế, cần phải xây dựng một chuẩn trình độ ngoại ngữ mới cho Việt Nam. Chuẩn này cần tương thích với trình độ quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT hiện chưa có bất cứ quyết định nào về việc sử dụng TOEIC thay thế chứng chỉ A, B, C dù chắc chắn rằng chúng ta phải xây lại chuẩn ngoại ngữ mới.
Chúng ta cũng cần có một tổ chức độc lập của Việt Nam để tổ chức các kỳ thi theo tiêu chuẩn trình độ mới này. Còn hiện tại, việc lựa chọn hình thức thi nào hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của người học, người thi nhưng quan trọng hơn là phụ thuộc vào người tuyển dụng lao động quyết định.