TOEIC (Test of English for International Communication) là chương trình kiểm tra và xây dựng tiêu chuẩn về khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường giao tiếp và làm việc quốc tế.
Tại Việt Nam, nhiều công ty cũng đã đưa TOEIC vào điều kiện tuyển dụng của mình, thay cho các bằng chứng chỉ quốc gia chưa đánh giá được hết trình độ thật sự của người lao động hoặc các bằng Anh ngữ học thuật quốc tế như TOEFL, IELTS quá khó cho những người chỉ muốn sử dụng Anh ngữ giao tiếp trong công việc và vì thế để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Học viện đang nỗ lực đào tạo chuẩn TOEIC theo nhu cầu xã hội.
Tại sao nên học và thi TOEIC?
Điểm TOEIC được tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài và các tập đoàn kinh tế của Việt Nam công nhận nhằm đánh giá trình độ tiếng Anh của nhân sự với tư cách là một thước đo chuẩn và đáng tin cậy nhất.
- Kỳ thi lấy chứng chỉ TOEIC được tổ chức liên tục mỗi tháng từ 1 tới 2 lần thi nên người thi dễ dàng sắp xếp lịch cá nhân, lịch ôn tập, và lịch dự thi.
- Lệ phí thi TOEIC rất tiết kiệm: 35 USD/một lần thi. Đây là mức lệ phí thấp nhất trong các kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (bằng 1/5 so với lệ phí thi TOEFL hay IELTS).
- Học TOEIC tức là học ngôn ngữ giao tiếp trong công việc một cách thực dụng nhất, vì nó phục vụ hiệu quả cho mục đích giao tiếp trong công việc ở mọi lĩnh vực và gồm tất cả các kỹ năng mà một người làm việc trong môi trường có sử dụng tiếng Anh cần như: trao đổi công việc, thuyết trình, đàm phán, viết thư tín thương mại, viết email, fax... Những kiến thức và kỹ năng này không chỉ giúp giải quyết công việc hiệu quả và độc lập hơn, mà còn hỗ trợ đắc lực cho sự thăng tiến của bạn.
Thang điểm TOEIC phản ánh điều gì?
TOEIC là một kỳ thi không có điểm đỗ hay trượt, mà chỉ đơn thuần là chứng nhận mức độ thành thạo tiếng Anh của người dự thi. Hiện nay, với việc tổ chức bài thi với 2 kỹ năng là nghe và đọc, TOEIC có tổng điểm tối đa là 990 điểm chia đều cho 2 kỹ năng. Mỗi mức điểm cụ thể phản ánh năng lực sử dụng tiếng Anh của người dự thi như sau:
- Từ 250 tới 350 điểm: Có khă năng sử dụng tiếng Anh hạn chế trong công việc, và chỉ có thể hiểu những câu giao tiếp đơn giản.
- Từ 350 - 550: Phản ánh năng lực giao tiếp tiếng b Anh ở mức độ trung bình, chỉ phù hợp với những tình huống giao tiếp ngắn gọn hay các loại văn bản đơn giản, và thông thường những người ở khung điểm này cần có sự hỗ trợ của từ điển và sách tiếng Anh thì mới có thể hiểu hết ý của người đối thoại. Đây là mức độ tiếng Anh yêu cầu đối với nhân sự cấp thấp, họ có thể chào đón và tiếp khách bước đầu bằng tiếng Anh, hay kiểm tra và trả lời email ở mức độ đơn giản…
- Từ 550 tới 650: Phản ánh năng lực giao tiếp tiếng Anh trung bình khá. Những người đạt điểm thi TOEIC này có thể đảm nhận các vị trí nhóm trưởng hoặc trưởng phòng trong các công ty hoặc tổ chức nước ngoài, có khả năng hỗ trợ nhân sự của mình làm việc bằng tiếng Anh, tham gia một phần và việc tổ chức các cuộc họp hay hội thảo bằng tiếng Anh, và tự thực hiện các bài thuyết trình tiếng Anh ngắn.
- Từ 650 – 800: Phản ánh năng lực giao tiếp tiếng Anh khá. Những người đạt mức điểm này có khả năng tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị bằng tiếng Anh một cách độc lập và chủ động mà không cần sự hỗ trợ nào khác. Đây cũng là mức độ tiếng Anh yêu cầu đối với các cấp trưởng phòng trở lên ở các công ty nước ngoài.
- Từ 800 – 900: Phản ánh năng lực giao tiếp tiếng Anh giỏi. Đây là mức tiếng Anh yêu cầu đối với những người giữ những cương vị như giám đốc chi nhánh, giám đốc bộ phận hay là lãnh đạo các phòng ban của công ty nước ngoài. Những người đạt điểm TOEIC trong khoảng này có thể thuyết trình độc lập về công ty với những bài thuyết trình dài được chuẩn bị trước, và có thể đàm phán các hợp đồng kinh tế và các thoả thuận hợp tác với đối tác nước ngoài bằng tiếng Anh.
- Từ 900 – 990: phản ánh năng lực sử dụng tiếng Anh hoàn toàn thành thạo và không còn rào cản ngôn ngữ trong công việc. Các giám đốc công ty hoặc tổ chức nước ngoài thường có trình độ tiếng Anh này. Họ hoàn toàn đủ khả năng đánh giá vấn đề, đàm phán và thống nhất các điều khoản hợp tác với các đối tác, và hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về sự chính xác trong các quyết định của mình.
Vậy còn bạn thì sao?